A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có gì lạ dưới ánh mặt trời?

"Hai câu sáo ngữ làm cho chúng ta cười nhưng một trăm câu sáo ngữ khiến chúng ta cảm động vì chúng ta lờ mờ nhận thức được rằng chính các sáo ngữ đang trò chuyện với nhau và đang ăn mừng một cuộc hội ngộ. Cũng như nỗi đau tận cùng thì giống khoái cảm, sự trụy lạc tuyệt đối lại tiến gần tới ranh giới về năng lượng thần bí, do đó cực đoan hóa tầm thường cho phép chúng ta thấy được sự Cao Thượng." 

 

1. Đoạn trích trên lấy từ bài bình luận bộ phim Casablanca của nhà văn nổi tiếng người Ý Umberto Eco. Tôi đã đọc hàng chục bài bình luận về bộ phim kinh điển này, nhưng đến đoạn trích dẫn trên, tôi phải bật cười khâm phục vì sự dí dỏm nhưng cực kỳ chuẩn xác của nhà văn, nhà tư tưởng nổi tiếng này. Quả là vậy,Casablanca ra đời vào năm 1942, đang trong những năm tháng chiến tranh thế giới thứ 2. Câu chuyện xảy ra ở bối cảnh là một thành phố xa xôi ở Bắc Phi với câu chuyện tình yêu tay ba không có gì mới mẻ. Chẳng ai nghĩ nó sẽ thành công chứ đừng nói trở thành huyền thoại và là một mẫu mực của dòng phim lãng mạn Hollywood. Thế nhưng, từ những chất liệu có vẻ tầm thường đó, bộ ba nhà biên kịch và đạo diễn Michael Curtis đã kết dính chúng lại bằng sự thăng hoa của tổng hòa các yếu tố làm nên một bộ phim huyền thoại. Chất kết dính hóa học đó đã nâng tầm một bộ phim lãng mạn, thậm chí là ủy mị trở thành tác phẩm đứng số 1 trong 100 bộ phim hay nhất do Viện phim Mỹ (AFI) bình chọn vài năm về trước…

 

Trong sách Truyền đạo của Kinh Thánh có câu “Không có gì lạ dưới ánh mặt trời”. Hơn 100 năm của lịch sử điện ảnh đã trôi qua, gần 70 năm từ Casablanca, dòng phim lãng mạn đã có thêm hàng trăm, hàng ngàn bộ phim mới, nhưng người ta vẫn nhắc đến nó như một mẫu mực. Nhưng nói như thế thì không lẽ không cần làm phim nữa, rằng điện ảnh chỉ là sự kéo lê mòn mỏi của sự lặp lại? Không hẳn vậy, những tài năng điện ảnh vẫn khiến người xem bỏ tiền đến rạp để thưởng thức những tác phẩm mới bởi những khoảnh khắc của ngôn ngữ điện ảnh mà họ chỉ thưởng thức được chúng đích thực nhất ở các rạp chiếu phim. Người ta không còn quá quan tâm đến “bộ phim kể câu chuyện gì” mà “bộ phim kể câu chuyện như thế nào”.

2. Nếu Hollywood vẫn trung thành thành với kết cấu phim 3 hồi từ thời Casablanca, Gone with the Wind… và kéo dài hàng thập kỷ vẫn tôn thờ kết cấu này với Titanic, Avatar… thì điện ảnh ngoài Hollywood, mà đối trọng lớn nhất là điện ảnh châu Âu luôn tìm cho họ một hướng đi khác. Từ thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 điện ảnh châu Âu đã sáng tạo ra chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa siêu thực nơi những bậc thầy như Luis Bunuel (Tây Ban Nha) đã biến các bộ phim của mình thành những bức tranh trừu tượng khó lý giải và thách đố cả về mặt đạo đức hay lý tính.

Thập niên 50, 60 là sự tỏa sáng rực rỡ của hai trào lưu đã làm thay đổi ngôn ngữ điện ảnh mãi mãi đối với dòng phim tác giả: đó là trào lưu Tân hiện thực ở Ý và dòng phim của Làn sóng mới ở Pháp.

Chủ nghĩa Tân hiện thực ở Ý với các tên tuổi như Vittorio De Sica, Luchino Visconti, Roberto Rosellini… đã trả lại hiện thực cho hiện thực chứ không cố tô vẻ thông điệp và luôn để lại những đoạn kết bỏ ngỏ mà mỗi người xem là đồng tác giả để đi tìm đoạn kết. Trào lưu Làn sóng mới ở Pháp mà hai cánh chim đầu đàn là Francois Truffaut, Jean Luc Godard cũng khá giống với các tên tuổi lớn ở nước láng giềng về cái nhìn hiện thực của họ. Tuy nhiên, hai đạo diễn này đề cao tính nghệ sĩ và cảm hứng tự do sáng tạo nhiều hơn.

Các đạo diễn châu Á, ngoại trừ một vài bậc thầy tạo nên phong cách riêng biệt của họ như Kurosawa, Ozu của Nhật thì hầu hết các gương mặt nổi bật của điện ảnh đương đại ở châu lục này vẫn chịu ảnh hưởng bởi các tên tuổi châu Âu nhưng họ đi theo các phong cách cá nhân khó lẫn.: Vương Gia Vệ thời trang và duy mĩ, Thái Minh Lượng trần trụi, Hầu Hiếu Hiền tao nhã và đậm chất thơ…

 

3. Dòng điện ảnh nghệ thuật đương đại của Việt Nam đón nhận một làn gió tươi lành và thuần khiết đến từ đạo diễn Việt kiều Pháp Trần Anh Hùng. Ba bộ phim về đề tài Việt Nam của anh, dù theo 3 cảm quan khác nhau: chất thơ và sự thuần khiết trong Mùi đu đủ xanh, trần trụi và bạo lực trong Xích lô, ẩn dụ trong Mùa hè chiều thẳng đứng đã khiến các cinefan Việt tự hào về một tên tuổi đạo diễn gốc Việt xứng đáng có tên trong “bản đồ điện ảnh” thế giới với các đề cử và giải thưởng tại các giải thưởng hay Liên hoan phim điện ảnh lớn nhất thế giới: Oscar, Cannes và Venice. Quan trọng hơn, Trần Anh Hùng cũng tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ điện ảnh Việt phải nghĩ lại về ngôn ngữ điện ảnh đích thức. Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di là hai gương mặt tiêu biểu nhất, ảnh hưởng Trần Anh Hùng trên con đường đi tìm ngôn ngữ điện ảnh đích thức và dần dần rủ bụi minh họa của văn chương trong bộ môn nghệ thuật thứ 7. Đặc biệt với “Bi, đừng sợ”, Phan Đăng Di là một tài năng không thể phủ nhận của điện ảnh Việt. Những lát cắt cuộc sống qua con mắt điện ảnh của anh vừa trần trụi, cay đắng về sự thoái hóa, mòn mỏi của con người ở cuộc sống đô thị lại vừa đầy chất thơ và trong trẻo mà khán giả hiếm thấy trên màn ảnh trước đây. Cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh của Di có thể là thách đố đối với nhiều khán giả Việt nhưng là một thứ gia vị lạ đối với giới phê bình thế giới.

 

Đạo diễn Đan Mạch Lars Von Trier từng phát biểu ngắn gọn nhưng quá đầy đủ: “Cái hay của phim ảnh là lúc nào nó cũng rộng hơn chữ nghĩa”.  Khi người đạo diễn bước vào phòng dựng cùng các cộng sự cắt dán những cảnh phim họ thực hiện, tất cả chữ nghĩa đều không còn giá trị. Cái còn lại là những khuôn hình của họ…

 

 Lâm Lê


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan